Ba Tư - xứ sở của Nghìn lẻ một đêm
02
07, 2024

Ba Tư - xứ sở của Nghìn lẻ một đêm

Shiraz – thành phố lười biếng và vui vẻ

Shiraz là thành phố đầu tiên chúng tôi đặt chân đến, một thành phố miền Nam phóng khoáng được mệnh danh thành phố “lười biếng và vui vẻ”. Khi chưa đến Iran, do đọc được thông tin mọi phụ nữ, kể cả khách du lịch, đến Iran đều phải quàng khăn che kín tóc, nên ngay các bạn đồng nghiệp quốc tế cũng hỏi tôi tại sao lại đi du lịch một nước Hồi giáo hà khắc đến vậy. Hoá ra không phải thế. Dù phụ nữ vẫn quàng khăn theo quy định nhưng tôi gặp khá nhiều phụ nữ chỉ quàng nhè nhẹ che một phần mái tóc, trông như để làm đẹp nhiều hơn là để che kín. Phụ nữ ở đây cũng trang điểm thoải mái hơn, vào đền thiêng không bị đưa giấy bắt xoá. Nhiều đôi nam nữ, vợ chồng cũng thoải mái cầm tay, khoác vai, tôi hoàn toàn không có cảm giác đang ở một nước đạo Hồi khắc nghiệt.

ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-10-1.jpg
Một gia đình Iran chụp ảnh lưu niệm đầu năm.

Về sau đi lên các thành phố phía Bắc tôi mới biết không phải nơi nào cũng vậy. Điển hình là ở Qom, thành phố sùng đạo nhất Iran, phần lớn phụ nữ chỉ mặc màu đen, khăn dài trùm kín không hở, vào thánh đường phải quệt hết son, tuyệt đối áo quần không được hở, tay hơi cộc cũng bị nhắc nhở.

ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-08.jpg
Ở Qom, hầu hết phụ nữ chỉ mặc trang phục màu đen.

Phần lớn các nhà thờ đạo Hồi ở Iran có kiến trúc mái vòm nguy nga, ốp gạch men trang trí hoa văn cực kì chi tiết. Rất nhiều thánh đường và nhà thờ đạo Hồi lớn có màu xanh biển, xanh lá hoặc nâu nhạt, riêng ở Shiraz có nhà thờ gạch men màu hồng với nhiều họa tiết trang trí lâu đài châu Âu lạ mắt, nên còn được gọi là Pink Mosque. Đặc biệt Pink Mosque còn có một gian thờ có dãy cửa sổ gạch màu, mặt trời buổi sáng chiếu xiên, lung linh phản chiếu vô vàn sắc màu trên nền thảm.

ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-05-1.jpg
Thánh đường Hilal lbn Ali gần Qom.
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-01.jpg
Nhà thờ giành riêng cho hoàng gia Sheikh Lotfollah ở Esfahan.
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-04-1.jpg
Nhà thờ đạo Hồi Pink Mosque ở Shiraz.

Đặc sản của Ba Tư

Ra khỏi nhà thờ, còn chưa hết choáng ngợp với những mái vòm cao rộng và những bức tường khổng lồ gạch hoa tinh xảo, bước sang khu chợ cổ bazaar tôi lại tiếp tục choáng ngợp vì quy mô kiến trúc cũng như màu sắc, không khí mua bán náo nhiệt nơi đây. Có thể nói khu phức hợp (complex) ở trung tâm cũng là đặc điểm chung của nhiều thành phố lớn ở Iran. Thông thường một khu phức hợp sẽ bao gồm một quảng trường rất lớn, một hoặc hai nhà thờ chính, chợ cổ mái vòm bao quanh quảng trường, khu nhà tắm công cộng và quán trà kiểu Ba Tư vô cùng đặc trưng trong chợ.

ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-07-1.jpg
Chợ cổ Ba Tư

Do du lịch chưa bị đại trà và thương mại hoá nên các sản phẩm của Iran vẫn còn giữ được nhiều đặc trưng địa phương. Nhuỵ hoa nghệ tây saffron, hạt dẻ cười pistache, chà là, các loại kẹo đường, kẹo gương truyền thống, hay các sản phẩm gốm sứ, chạm đồng, mạ thiếc đều được làm kĩ và tinh xảo hơn các sản phẩm lưu niệm bán tại các nước xung quanh: Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc. Đặc biệt là thảm Iran, chi tiết, cầu kì, chất lượng nhất thế giới.

ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-02-1.jpg
Các gia vị truyền thống Ba Tư ...
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-03-1.jpg
rất thơm và bắt mắt.
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-11-1.%5B1%5D.jpg
Mùa xuân, chợ có bán món hạnh tươi xóc muối rất bùi.
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-09-1.jpg
Món cơm bọc gà xé khá dễ ăn và cũng khá ngon.

Thật khó để dứt ra khi hàng quán liền kề nhau với vô số mặt hàng độc đáo. Nhưng vẫn nên dành ra chút thời gian vào một quán trà truyền thống trong chợ (teahouse) tận hưởng không gian thư giãn giữa khu chợ huyên náo. Và nhất định không thể bỏ qua các nhà tắm công cộng (bathhouse) – độc đáo và lộng lẫy.

Xứ sở Nghìn lẻ một đêm

Chúng tôi đã ngủ đêm trong hang của nhà dân tại Meymand, một khu làng hang đá hình thành từ hơn 3.000 năm trước; đã đón hoàng hôn nơi nhà trọ Zein-Al-Din Caravanserai giữa sa mạc, nằm trên con đường tơ lụa trải dài khắp Iran do nhà vua ra lệnh xây dựng để phục vụ các đoàn hành hương nhiều thế kỉ trước. Đã đi xuyên qua con đường mái vòm hun hút ở Yazd để lọt vào nhà trọ thương gia sang trọng, yên tĩnh giữa khu chợ náo nhiệt. Đã thử cả Abbasi Caravanserai sang trọng giữa thành phố dành cho các đoàn thương nhân ngày xưa dừng chân chặng cuối chuyên chở hàng hoá. Hay Ameriha, khu dinh thự cổ mênh mông tuyệt đẹp từ thế kỷ XVIII-XIX của một đại gia đình thương gia buôn thảm ở Kashan. Thời gian quá ngắn, trải nghiệm các nhà trọ có lịch sử lâu đời cũng là một cách để hiểu thêm lịch sử hình thành và văn hoá huyền bí xứ sở Nghìn lẻ một đêm.

ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-15-1.jpg
Thành phố cổ Rayen được xây dựng hoàn toàn bằng bùn và rơm rạ.
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-08-1.jpg
Cổng thành Yard
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-14-1.jpg
Phòng trọ hành hương
ba_tu_xu_so_cua_nghin_le_mot_dem.-13-1.jpg
Nhà trọ trong hang đá tại một làng cổ hơn 3000 năm tuổi.

Ba Tư - xứ sở của Nghìn lẻ một đêm