Canh chua cá linh bông điên điển, đặc sản miền Tây mùa nước nổi
02
07, 2024

Canh chua cá linh bông điên điển, đặc sản miền Tây mùa nước nổi

“Cặp bài trùng” mùa nước nổi

Chẳng biết người phương Nam dễ tánh hay thật sự đất trời bao dung mà mỗi năm nước về, người lo thì ít, người vui thì nhiều. Lũ – một kiểu “thiên tai” nhưng khi về tới mảnh đất này lại biến thành “đặc sản”. Người ta đón nước lên trong tâm trạng háo hức như được mùa bởi đó là lúc cá tôm theo con nước xuôi về miệt đồng. Bởi thế, người miền Tây thường gọi mùa nước nổi thay cho nước lũ, nghe thân tình bình dị và quá đỗi hiền hoà. Và có lẽ, đây là nơi duy nhất trên dải đất hình chữ S này, người dân coi chuyện “sống chung với lũ” là cái gì đó thân thương lắm.

canh_chua_ca_linh_bong_dien_dien.01.jpg
Ở cái thời khắc nước ngập tràn đồng, thuyền ghe thay cho xe cộ cũng là lúc người dân “đổi nghề”. Nhà nào cũng sắm vài tay lưới, dăm chục cái cần câu, thêm cái chài để “đón” cá. Thế nên, nếu có dịp về miền Tây dạo này bạn chớ bỏ qua mấy món đặc sản chỉ có mùa nước nổi.

Đầu tiên phải kể đến cá linh. Đầu con nước, cá linh non xương mềm, thịt ngọt nên làm gì cũng ngon. Đơn giản thì kho tiêu, nấu canh chua, kho lạt, cầu kỳ chút thì chiên bột, đổ bánh xèo, nấu lẩu. Nhưng làm gì làm, đừng quên bông điên điển. Cá linh nấu canh chua bông điên điển phải nói là “hết sẩy”. Đây là “cặp bài trùng” hiếm có trong ẩm thực. Lắm người phương xa “lỡ” thưởng thức một lần mà đâm nhớ, đâm ghiền lúc nào không hay.

canh_chua_ca_linh_bong_dien_dien.05.jpg
Lắm người phương xa “lỡ” thưởng thức một lần mà đâm nhớ, đâm ghiền lúc nào không hay.

Muốn có tô canh chua ngon, đúng bài đúng bản, phải chọn loại me trái còn sống, có vị chua chan chát hoặc cơm mẻ chua thanh, beo béo. Cá linh non thì khỏi phải sơ chế chi cả, chỉ để sống rồi rửa sạch, chờ nước sôi bùng thả vào, sôi lại nhắc xuống là vừa. Bông điên điển cũng vậy, không nấu quá lửa, mất ngon. Mà kể cũng không có loại bông nào lạ như điên điển. Bông vàng óng ả, chấp chới trên mặt nước vào mùa, để ai chèo xuồng ngang, với tay là hái được ngay. Cái vị nhân nhẩn là lạ, ăn sống thì có vẻ hơi kỳ nhưng đi với cá linh thì chỉ có hợp. Mà không chỉ với món canh chua, lẩu mắm cũng vậy, có ít cá linh, bông điên điển, thêm vài cọng súng, hẹ nước, ta nói ăn no mà quên trời quên đất.

canh_chua_ca_linh_bong_dien_dien.03.jpg
Bông điên điển trồng được trên cạn lẫn nước nhưng hễ đơm bông ở vùng lũ là cứ thấy ngon lành hơn hẳn.

Cuối mùa, cá linh to hơn, xương cứng nhưng bù lại béo múp, bụng đầy mỡ, lúc này thì kẹp vỉ tre nướng than hồng chấm mắm me, ăn có mà… say. Cá linh ăn tươi không hết, người ta lại làm mắm. Mắm cá linh thơm, béo, có thể dùng để nấu lẩu, làm món mắm kho, mắm chưng – toàn những món bắt cơm không gì bằng.

Đong đầy nghĩa tình hào sảng

Dường như, người miền Tây chẳng mấy để tâm “dụng công” để cho ra món ăn cầu kỳ. Với họ, ngọn rau ngoài đồng, con cá dưới sông, tiện có được thì thành món. Lũ mang cho họ cái gì, họ bằng lòng với cái đó. Chẳng thế mà, món nào cũng thanh cảnh, cũng bình dị mà ngon đến lạ.

canh_chua_ca_linh_bong_dien_dien.02.jpg
Khách đến chơi mùa nước nổi, nhà có sẵn mớ cá linh, người miền Tây chẳng ngại “mở tiệc” mà đãi.

Vài con cá lóc, cá trê “rộng” trong lu, ra sau hè hái mớ sen, mớ súng, chèo thuyền xuôi hái mớ điên điển đương bông là có ngay vài món ngon lành. Những “bữa tiệc” đôi khi được mở ngay trên 1 doi đất xa xa với tấm chiếu lát trải ngay dưới đất, cứ tiện đâu thì bày đó, không câu nệ chi, dân dã, thiệt tình. Khi ăn, người miền Tây cũng không ngại “thúc” khách, đôi khi gắp bỏ đầy chén toàn thức ngon, sợ khách ngại. Bởi xưa nay, cái tánh hào sảng đã ngấm vào máu, vào thịt rồi.

canh_chua_ca_linh_bong_dien_dien.04.jpg
Ngoài nấu canh chua, cá lunh kho tiêu cũng là món ăn hao cơm những ngày nước nổi.

Về miệt Đồng Tháp Mười, An Giang mùa nước nổi mới cảm hết cái ngon trong ẩm thực, cái tình trong cách người miền quê đối đãi khách phương xa. Mặc cho đâu đó nước ngập trắng trời, mặc cho những vạt lúa chưa kịp gặt thì lũ về, người dân vẫn cứ bình thản sống, thưởng thức cho bằng hết những đặc sản mà đất trời ban tặng.

Canh chua cá linh bông điên điển, đặc sản miền Tây mùa nước nổi