07, 2024
Gặp gỡ Đinh Công Tường - vua gốm sứ Sài Gòn
Bước vào căn nhà mang đậm kiến trúc Huế, nơi trưng bày đa dạng các sản phẩm gốm sứ và các hình ảnh, bằng khen của chủ nhân bộ sưu tập – Đinh Công Tường, chúng tôi thật sự choáng ngợp giữa không gian chỉ toàn gốm là gốm. Gốm trưng bày dày đặt trên kệ, gốm đặt chi chít dưới nền nhà, gốm nằm chỉn chu ngay cạnh lối đi bé xíu khiến chúng tôi nơm nớp lo sợ sẽ vô tình đụng vỡ một chiếc bình hay cái dĩa nào đó trên hành trình tham quan này.
Theo quan niệm xưa, lộc bình ngoài việc trang trí còn có tác dụng thu và giữ khí tốt, giúp bảo quản, cất giữ tài sản cho gia chủ bởi dáng vẻ bên ngoài đầy ngụ ý của nó - thân phình to, cổ thắt lại và xòe ở phần miệng. Hiện nay, thú chơi lộc bình, đặc biệt là lộc bình cổ bằng gốm sứ được ưa chuộng hơn cả không chỉ bởi giá trị của thời gian, quan niệm phong thủy mà chính sự tinh tế về chất liệu và cách làm công phu, cầu kì. Nếu lộc bình Biên Hòa khiến người ta bắt mắt với màu sắc sặc sỡ, hoa văn cầu kì thì lộc bình Quảng Đức lại có sức hút với những ai yêu thích họa tiết đơn giản, một màu, thiết kế đơn sơ.
Chiếm số lượng lớn trong hơn 5.000 hiện vật lộc bình của “vua gốm sứ” Sài Gòn chính là lộc bình hình bắp chuối, lộc bình hình đùi dế, hình vuông, dẹt, lục giác… nhưng độc và hiếm hơn cả phải kể đến lộc bình Bát Huệ Tôn, lộc bình Song Tâm… Giới thiệu với chúng tôi chiếc bình Bát Huệ Tôn vẽ sơn thủy, anh bồi hồi kể lại chuyến đi kéo dài hàng tháng trời để sở hữu được món đồ này: “Trong một lần về miền Tây, tôi phát hiện ra chiếc bình này ở nhà hai vợ chồng già. Món đồ được bảo quản rất kĩ, để trong tủ kính. Sau 5 tháng lặn lội, hàng chục lần đến để thuyết phục và thương lượng với gia đình, tôi mới chính thức làm giàu thêm bộ sưu tập của mình với món cổ vật quý giá này”.
Tiếp tục theo chân anh, chúng tôi biết thêm rất nhiều loại lộc bình khác nhau qua cách quan sát hoa văn, chất liệu của từng hiện vật. “Lộc bình của Nhật thì họa tiết tinh xảo, cầu kì, được vẽ hình ảnh Nhật hoàng, khi búng tay sẽ cảm nhận được chất đất xốp kêu xọp xọp. Còn đồ của Tàu thì chủ yếu có màu men trắng xanh hay lộc bình của Chăm thì không có hoa văn, nếu có thì rất ít”.
Không chỉ sở hữu gia tài đồ sộ về lộc bình, ông Đinh Công Tường còn đang cất giữ rất nhiều món đồ cổ từ Bắc chí Nam, trải qua nhiều thời kì như Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo, đồ gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Biên Hòa… Trong đó, chiếc bình hai ngấn có vòi thuộc dòng gốm Chu Đậu là hiện vật được “vua gốm sứ” yêu thích nhất bởi sự độc đáo về kiểu dáng, hoa văn xanh đơn giản trên chất men trắng, đen đặc trưng nhưng lại rất tinh tế.
Đến thời điểm hiện tại, Đinh Công Tường đang sở hữu 2 bằng xác lập kỉ lục do Tổ chức Kỉ lục Việt Nam trao tặng gồm: Bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam, Bộ sưu tập bát có số lượng nhiều nhất Việt Nam, Bộ sưu tập đĩa xưa và nay có số lượng nhiều nhất Việt Nam; và 1 bằng xác lập kỉ lục Đông Dương do Tổ chức Kỉ lục Đông Dương trao tặng là: Top bộ sưu tập gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương.