07, 2024
Múa xòe, nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Thái - Tây Bắc
Vũ điệu đặc sắc
Khi nói tới xòe Thái, không thể không nhắc đến 6 điệu xòe cổ, bởi đây là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác và nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái.
Điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu, điệu múa thể hiện lòng hiếu khách, sự gần gũi giữa con người với con người.
Điệu xòe “Phá xí” - bổ bốn, diễn tả tình đoàn kết của cộng đồng, dù ở bất cứ phương trời nào đều hướng về tổ tiên, quê hương.
Điệu xòe tưng bừng và rộn rã nhất là điệu “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu “Tung khăn”. Cùng với những chiếc khăn Piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui vô bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu.
Điệu xòe “Đổn hôn”, điệu xòe tiến lùi, lúc người này tiến người kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Những động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.
Tiếp theo phải kể đến điệu xòe “Khắm khen”, nghĩa là nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động, biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Và cuối cùng là điệu “Ỏm lọm tốp mư”- là điệu xòe vòng tròn vỗ tay. Đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, biều hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.
Mỗi động tác, mỗi dáng đi dáng đứng, cách xếp đội hình đều là những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xòe mang theo. Đó là tình yêu cuộc sống, tình cảm nam nữ, khát vọng trong lao động, sản xuất,… được người Thái gửi gắm vào điệu xòe.
"Vào đây anh, múa xòe cùng em!"
Xòe Thái có sự uyển chuyển của đôi chân theo nhịp khèn, tiếng trống rộn rã đến mức cuồng nhiệt. Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Xòe luôn thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt người già hay trẻ, người lạ hay quen. Mọi người đều nắm tay nhau thân ái. Địa điểm tổ chức múa xòe cũng rất linh động. Có thể ở sân nhà, trên sân khấu, cũng có thể ở dưới gốc cây hoặc trên sân bãi... nơi nào cũng có thể múa xòe.
Những người tham gia múa xòe tay trong tay, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Động tác, đội hình xòe rất giản dị, các bước đi của vòng xòe gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ xưa đến nay, xòe vòng của dân tộc Thái luôn có sức hấp dẫn đặc biệt.
Qua mỗi bước xòe, người ta như được gột rửa tinh thần, để rồi, sau hội xòe, mọi người lại vui vẻ trở về với cuộc sống đời thường, sống gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời hơn và hăng say lao động hơn…
Nhiều người bảo nhau, ai đã một lần đến Tây Bắc mà chưa được múa xòe thì chuyến đi ấy không trọn vẹn. Hãy đến Tây Bắc để được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái, để thấm thía sự tinh tế, quyến rũ và cái tình của người Tây Bắc.
"Rộn ràng trong tiếng hát
Trao nhau giữa vòng xoè..."
Ở Tây Bắc hiện có 4 vùng người Thái cư trú tập trung đó là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Đây cũng là những vùng có các đội xòe nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc.