Tìm về đất cố đô
02
07, 2024

Tìm về đất cố đô

Chuyện kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng đang đi tìm đất để định đô, đến khu vực ngọn đồi bên cạnh dòng sông Hương, tức chùa Linh Mụ ngày nay, thì gặp một bà lão tóc bạc trắng. Chúa hỏi thăm đường bà lão. Khi ấy, bà lão đưa cho Chúa một nén hương và dặn rằng: “Ngươi nãy cầm nén hương này xuôi theo dòng sông, đến nơi nào mà nén hương này cháy hết, thì nơi đó chính là nơi mà ngươi đang cần đến”...

Theo lời dặn, Chúa Nguyễn Hoàng đã xuôi theo dòng sông Hương, đến địa phận Kinh thành Huế bây giờ thì nén hương cháy hết. Chúa bèn dừng lại tại đó, mở đất, xây thành, lập nên vương triều nhà Nguyễn tồn tại hơn 200 năm, qua 13 triều đại. Truyền thuyết là vậy nhưng trên thực tế, vị trí xây dựng kinh đô Huế đã được triều Nguyễn khảo sát rất kỹ từ nhiều yếu tố phong thủy, phòng thủ cùng các yếu tố tự nhiên, xã hội… hội đủ điều kiện để trở thành kinh đô của một quốc gia.

tim_ve_vung_dat_co_do.-02.jpg
Ngọ môn nhìn từ trên cao

Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông – Tây và khung cảnh thiên nhiên kỳ thú - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh... Nhìn từ phía ngược lại, những công trình kiến trúc này như hòa lẫn vào thiên nhiên tạo nên những tiết tấu diệu kỳ khiến người ta quên mất đã có bàn tay con người tác động lên nó.

tim_ve_vung_dat_co_do.-10.jpg
Sớm mai trên sông Hương
tim_ve_vung_dat_co_do.-11.jpg
Nét thanh bình cửa Thượng Tứ
tim_ve_vung_dat_co_do.-08.jpg
Cảnh ngọ môn về đêm

Cùng với cụm kiến trúc Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành Huế là hệ thống các lăng vua triều Nguyễn được phân bố dọc theo dòng sông Hương về phía Tây. Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ. Lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận. Lăng Minh Mạng uy nghi, đăng đối giữa rừng núi, hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ.

tim_ve_vung_dat_co_do.-06.jpg
Lăng Minh Mạng uy nghi

tim_ve_vung_dat_co_do.-03.jpg
Lăng Thiệu Trị vừa thâm nghiêm, vừa thâm trầm, u uẩn giữa chốn đồng không quạnh quẽ cũng thể hiện phần nào tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự.
tim_ve_vung_dat_co_do.-05.jpg
Lăng Tự Đức thơ mộng, trữ tình, được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người; phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ...

Bên cạnh thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga, tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng biết bao công trình kiến trúc độc đáo như đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu - nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên Tiến sĩ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na... Tất cả như hòa điệu cùng thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận... để tạo nên một bức tranh non nước tuyệt mỹ.

Cố đô Huế cũng là nơi hiếm hoi trên thế giới được UNESCO công nhận tới 5 di sản văn hóa của nhân loại: quần thể di tích cố đô Huế (1993 - di sản vật thể), nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - di sản phi vật thể), mộc bản triều Nguyễn (2009 - di sản tư liệu), châu bản triều Nguyễn (2014 - di sản tư liệu) và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - di sản tư liệu).

tim_ve_vung_dat_co_do.-12.jpg
Cuối năm 2003, khi nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhà hát Duyệt Thị Đường trở thành điểm đến của công chúng yêu âm nhạc cổ.

Tìm về đất cố đô